Cách Làm Mâm Cỗ Chay Rằm Tháng Giêng

Cách Làm Mâm Cỗ Chay Rằm Tháng Giêng
Video cách làm cỗ chay rằm tháng giêng

Rằm tháng Giêng

Rằm Tháng Giêng là một trong những dịp lễ lớn ở Việt Nam. Để tránh sát sinh và cầu mong nhiều điều an lành, may mắn cho năm mới, nhu cầu ăn chay cũng tăng mạnh và Passion Link sẽ gợi ý một mâm cỗ chay đơn giản, dễ làm cho ngày Rằm Tháng Giêng.

1. Đậu hũ nhồi nấm

Đậu hũ nhồi nấm

Nguyên liệu:

  • 5 miếng đậu phụ
  • 3 củ năng, 1 quả ớt sừng
  • 10 tai nấm hương
  • 1 khúc baoro
  • hạt nêm chay, muối, nước tương

Cách làm:

  • Ngâm nấm hương mới, rửa sạch, gọt vỏ củ năng, bỏ hột ớt, rửa sạch baoro, sau đó thái nhỏ các nguyên liệu.
  • Cho chút dầu ăn vào chảo, dầu nóng cho 1/2 baoro vào phi thơm, cho củ năng, nấm, nêm 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng hạt nêm chay, chút bột ngọt, đảo khoảng 2 phút, sau đó cho ớt và phần baoro còn lại vào, đảo đều, tắt bếp.
  • Đậu hũ cắt thành miếng 3x5cm, chiên vàng, khi đậu hũ đã vàng đều, ngâm vào tô nước đá lạnh để nguội. Đợi đậu nguội, rạch bên hông miếng đậu, dùng muỗng nhỏ lấy bớt ruột của miếng đậu ra để làm nơ. Làm tất cả những miếng đậu như vậy.
  • Phần ruột đậu đã lấy ra, bớt đi 1/4. Phần còn lại ướp 1 thìa cafe hạt nêm, 1 thìa nước tương, nghiền cho phần ruột đậu nhuyễn ra. Trộn đều phần ruột đậu đã nghiền và phần nấm đã xào.
  • Bông hẹ trụng qua nước sôi để dễ cột.
  • Lấy miếng đậu đã rạch ruột ra, nhét phần nhân nấm vào miếng đậu. Dùng bông hẹ cột ngang miếng đậu tạo hình những chiếc nơ xinh xinh.
  • Cho những miếng đậu đã được tạo hình vào chảo dầu chiên cho phần vỏ đậu giòn trở lại.
  • Đậu đã được chiên giòn, dọn cùng chén nước tương có vài lát ớt.

2. Gỏi chay nấm tuyết

Gỏi chay nấm tuyết

Nguyên liệu:

  • Miếng đậu hũ tươi: 1 miếng
  • Nấm tuyết: 250g
  • Cà rốt: 1 củ
  • Chanh, ớt, một ít cần tây
  • Lạc rang: 2 muỗng canh (đem dã giập)
  • Gia vị chay: Muối, đường, dấm, tiêu, hạt nêm

Cách làm:

  • Sơ chế nguyên liệu: Cắt bỏ vỏ cà rốt, rửa sạch, thái thành sợi mỏng. Thái nhỏ rau cần tây. Ngâm nấm tuyết để nở, xé sợi, trần qua nước sôi, để ráo. Đậu hũ cắt thành lát mỏng và chiên vàng.
  • Chuẩn bị một tô lớn cho 2 muỗng canh dấm, 1,5 muỗng đường, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng canh nước cốt chanh, vài hạt muối, ½ chén nước lọc, khuấy cho tan. Sau đó, cho cà rốt, nấm tuyết vào ngâm khoảng 10 phút cho thấm.
  • Rau củ sau khi ngâm dấm đường, vớt ra, vắt ráo rồi cho vào tô trộn với nước trộn gỏi, nước sốt đun cho sánh rồi đổ ra bát.
  • Làm nước sốt trộn gỏi: Tiếp theo, trộn lần lượt 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước tương, 1/2 chén nước lạnh, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm cho đều. Đun lửa nhỏ cho đến khi nước sánh như mật ong, sau đó để nguội.
  • Chúng ta cho nấm tuyết, cà rốt, đậu hũ chiên, ớt đỏ và một ít rau cần tây thái nhỏ vào một tô lớn, sau đó cho nước sốt trộn gỏi vào và trộn đều.
  • Trình bày gỏi ra đĩa, rắc lạc rang và rau cần tây lên.

3. Rau cải chip xào nấm đông cô – Màu xanh

Rau cải chip xào nấm đông cô - Màu xanh

Một đĩa rau cải chip xào nấm đông cô không chỉ mang đến màu sắc xanh tươi mát cho mâm cỗ chay của bạn, cũng giúp mâm cỗ cân bằng, hài hòa hơn về hương vị. Màu xanh của đĩa rau cải xào nấm còn tượng trưng cho sự tươi tốt trong năm mới, mang ý nghĩa cầu chúc cho gia đình bạn một năm mới luôn dồi dào lộc lá.

Nguyên liệu:

  • Gạch rau cải chip
  • Nấm đông cô
  • Dầu mè
  • Gia vị chay

Cách làm:

  • Sơ chế rau cải chip và nấm đông cô bằng cách rửa sạch, để ráo nước. Xào nhanh rau cải chip với dầu mè, sau đó cho nấm đông cô vào xào cùng, nêm gia vị chay và cho ra đĩa.

4. Nem rán – Màu vàng nâu

Nem rán - Màu vàng nâu

Nem rán với màu vàng nâu đặc trưng chính là món chay tượng trưng cho hành Thổ. Sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu rau củ quả làm nem chay cùng với nước chấm nem chua ngọt mang ý nghĩa mong cầu cho một năm nhiều màu sắc, sôi động, rực rỡ đến với gia đình bạn.

Nguyên liệu:

  • 1 khay nấm các loại (nấm kim châm, nấm đùi gà, nấm mỡ…)
  • Giá đỗ: 100g
  • Nấm hương khô: 50g
  • Bánh đa nem
  • Muối, gia vị, chanh, mắm chay, dầu ăn

Cách làm:

  1. Các loại nấm bỏ chân, rửa sạch.
  2. Nấm đùi gà xắt sợi nhỏ.
  3. Nấm hương xắt nhuyễn.
  4. Đặt nồi nước sôi, thêm chút muối và trần qua nấm kim châm, nấm đùi gà xắt sợi. Vắt ráo nước.
  5. Trộn chung các loại nấm, giá và 1 thìa muối với nhau.
  6. Cuốn thành hình loại nhỏ hoặc lớn.
  7. Cho dầu ăn vào chảo, để nóng rồi cho nem vào rán.
  8. Pha nước chấm nem: 2 thìa canh nước lọc, 1 thìa mắm chay, 1 thìa đường, 1 thìa nước cốt chanh. Nên ăn lúc nem còn nóng.

5. Canh chay nấm đậu phụ – Màu trắng

Canh chay nấm đậu phụ - Màu trắng

Nguyên liệu:

  • 250g đậu phụ non
  • 125g nấm sò
  • Gừng và riềng mỗi thứ một miếng khoảng 2cm
  • 1 củ hành tây nhỏ, 1 củ cà rốt cỡ vừa, 1 củ sả
  • 2 lá chanh, 2 – 3 quả ớt khô nhỏ
  • 1 nắm lá húng quế, 1 nắm rau mùi
  • Dầu ăn, tương đậu nành
  • 1 – 2 lá gừng (tùy thích)
  • Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, đường, tiêu, nước tương, dầu ăn thực vật

Cách làm:

  • Sơ chế nguyên liệu: Cạo vỏ gừng và riềng, giã nát. Nếu riềng già bạn có thể xay nhuyễn.
  • Bỏ lớp vỏ ngoài của hành tây, chia làm 6. Gọt vỏ cà rốt, cắt miếng vừa. Bỏ phần thân dưới của sả, xắt đôi theo chiều dọc. Rửa sạch nấm, để ráo, cắt miếng nhỏ. Cho cà rốt, hành tây, nấm vào nồi. Thêm gừng, riềng, ớt, lá chanh cùng chút muối.
  • Đổ nước sôi, đun lửa vừa. Khi nồi canh sôi, giảm lửa nhỏ, đậy nắp đun thêm 10 phút để các loại rau củ chín mềm. Sau đó thêm đậu vào cùng với nước tương và chút hạt tiêu, nêm gia vị theo khẩu vị và đun thêm 2 – 3 phút để đậu thấm gia vị. Cuối cùng thêm rau mùi và húng quế xắt nhỏ, đảo đều, đun sôi bùng rồi tắt bếp, múc canh ra bát và dùng nóng.

6. Xôi gấc – Màu đỏ

Xôi gấc - Màu đỏ

Theo quan niệm của người Việt, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, hạnh phúc, viên mãn. Một đĩa xôi gấc đỏ trong mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng sẽ là món ăn mang đến cho gia đình bạn sự may mắn trong những ngày đầu năm.

Nguyên liệu:

  • Gạo nếp ngon
  • Gấc chín
  • Muối
  • Rượu trắng

Cách làm:

  • Gạo nếp vo sạch, ngâm từ 6 – 8 tiếng, rồi để ráo. Gấc chín bổ đôi lấy ruột gấc bóp với rượu trắng rồi trộn với gạo, xóc gạo với 1 thìa cà phê muối rồi cho vào nồi. Khi xôi chín, để xôi nguội một chút rồi đơm ra đĩa.

7. Chè trôi nước khoai lang tím

Chè trôi nước khoai lang tím

Trong mâm cỗ chay, không thể thiếu bát chè trôi nước vào ngày Rằm tháng Giêng. Việc cúng và ăn chè trôi nước trong ngày Rằm đầu tiên của năm mang đến may mắn, hạnh phúc và điều tốt lành cho gia đình trong suốt năm.

Nguyên liệu:

  • 2 – 3 củ khoai lang tím
  • 200g bột gạo nếp
  • 1/4 bát nhỏ đường nâu
  • 1 nhánh gừng
  • Vừng rang thơm
  • Đỗ xanh: 200g

Cách làm:

  • Khoai lang tím rửa sạch, hấp hoặc luộc chín, tán nhuyễn. Trộn khoai lang và bột gạo nếp với nhau, vì khoai lang đã ngọt nên không cần thêm đường, từ từ đổ nước ấm tầm 60 độ C vào. Vừa đổ nước vừa dùng tay nhồi cho đến khi khoai mịn dẻo, đậy kín ủ trong khoảng 30 phút để bột nở.
  • Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho sạch, hấp chín đỗ, dùng máy xay hay muôi cán mịn và xay đỗ thật mịn với đường cát trắng tùy theo độ ngọt bạn thích.
  • Chia bột nếp thành từng phần bằng nhau và viên thành tròn.
  • Đỗ xanh cũng viên tròn nhưng viên nhỏ bằng 1/2 viên bột nếp.
  • Ấn dẹt phần bột ra lòng bàn tay, đặt nhân đỗ xanh vào giữa viên tròn lại. Làm như vậy cho đến hết nguyên liệu.
  • Đun nồi nước sôi, khi nước sôi cho từng viên chè trôi vào, đun sôi đến khi viên chè trôi nổi lên, sau đó vớt ra bát.
  • Trong 1 nồi khác, pha khoảng 2-3 bát nước cùng đường nâu và vài lát gừng cắt mỏng, đun sôi rồi thả viên chè trôi vào đun khoảng 3-4 phút để phần nước ngấm vào từng viên chè.
  • Tắt bếp và trình bày chè trôi nước ra bát, trên cùng rắc ít hạt vừng rang thơm.

Trên đây là gợi ý mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng với 7 món đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa, góp phần mang đến may mắn, bình an cho gia đình bạn trong năm mới. Hi vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn tiết kiệm thời gian nấu nướng mà vẫn đảm bảo có mâm cúng chay Rằm tháng Giêng đủ đầy và trọn vẹn về hương lẫn sắc.

Xem thêm Kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết Nguyên đán tại đây M & Tôi.