Mưa lũ, vỡ đê trong thời kỳ phong kiến
“Một lần thất sách, để tai hại về sau không biết chừng nào”. Đó là lời nhận xét trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục về việc đắp đê quai vạc ở miền Bắc từ thời Trần mà hậu quả của nó kéo dài mấy trăm năm sau đó.
Người ta vẫn nói rằng, Nhà Nguyễn không quan tâm đến đê điều và để ra hậu quả là vỡ đê, ngập lụt. Từ năm 1802 đến năm 1858, cả nước có 38 lần mưa bão gây lụt lớn, trong đó 11 lần vỡ đê làm gần như toàn bộ Bắc Bộ bị lụt, mất mùa và đói kém.
Nhưng người ta lại không tìm hiểu xem vì sao lại như thế khi mà Nhà Nguyễn là triều đại đắp đê nhiều nhất trong lịch sử phong kiến (Số đê điều được đắp ở Bắc Thành thời Nhà Nguyễn hơn 360.000 trượng (khoảng 1400 km); gấp 1,5 lần tổng số đê điều của tất cả các triều đại khác cộng lại).
Đắp đê, phá đê hay đào sông mới? Hàng loạt phương án đã được đưa ra bàn luận nhưng không tìm được phương án tối ưu.
Hoàng đế Nguyễn Thánh Tổ phải than phiền: “Nếu phá bỏ đê, thời lập tức nước sông dâng lên tràn ngay vào ruộng hại liền theo đó, như thế thời đủ thấy rõ ràng rằng đê không thế nào phá bỏ đi được vậy. Nếu khinh suất nghị luận phá bỏ đê, không khỏi để cho đời sau chê cười…”
Xem thêm: Nghệ thuật quân sự đỉnh cao Việt Nam thời phong kiến
Cuối cùng … triều đại này vẫn tiếp tục đắp đê. Sau này người Pháp cũng không dám phá đê ở miền Bắc, đến chính thể VNDCCH cũng không thể quyết.
16 trận lũ lụt, vỡ đê tiêu biểu thời hiện đại ở miền Bắc

1. Tháng 8/1945, sau những năm từ 1927 đến 1944 không có vỡ đê, thì mùa mưa năm 1945 lũ lên rất cao. Đến ngày 20 tháng 8 năm 1945 đê Sông Hồng bắt đầu vỡ ở nhiều nơi. Các đê sông Cầu, sông Luộc cũng bị vỡ từng mảng. Các con đê ở Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ bị vỡ 52 đoạn, lụt lội xảy ra tràn lan, làm ngập 35 vạn hecta ruộng đất thuộc 9 tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Hơn 50% ruộng đất ở Bắc Bộ bị bỏ hoang do lụt và hạn hán.
2 Năm 1946, nạn lụt đang ngấp nghé đe dọa gây tiếp một nạn đói xảy ra ở miền Bắc.
3. Năm 1948 vỡ đê ở Nghệ An, gây lụt lớn.
4. Năm 1950 ở Thanh Hóa lũ tràn qua mặt đê 0,7 mét, vụ mùa bị mất tới 50%. Năm đó ở Nghệ An và Hà Tĩnh đê sông Cả, sông La đều bị vỡ, gây mất trắng vụ mùa tới 60% diện tích; ở Bình Trị Thiên có mưa lũ lịch sử, hàng ngàn ngôi nhà bị trôi, hàng trăm người chết đuối, lúa mùa của Quảng Bình bị mất tới 70%, còn Quảng Trị và Thừa Thiên bị mất trắng.
5. Tháng 8/1968, mưa lũ ở miền Bắc khiến hệ thống đê điều ở miền Bắc bị uy hiếp nghiêm trọng. Một loạt hệ thống đê ở miền Bắc bị vỡ ở Thái Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội …
6. Tháng 8/1969, đê điều miền Bắc tiếp tục bị uy hiếp do mưa lũ. Mưa lớn làm tràn vỡ hầu hết các đê bối hạ lưu sông Thao, Hồng và Thái Bình
7. Trận lũ lịch sử tháng 8/1971 ở Bắc Bộ làm 16 điểm đê bị vỡ, làm chết và mất tích 100.000 người và ngập 200.000 ha, mực nước sông Hồng đạt tới mức kỷ lục 14,13 mét.
8. Năm 1978, lụt, úng gây thiệt hại nghiêm trọng Hà Tây, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam. Đê sông Hoàng Long bị vỡ.
9. Năm 1985, lũ lớn trên sông kết hợp với mưa rất to trong đồng xảy ra đột ngột và kéo dài nhiều ngày ở trên Báo động 3 khi triều cường nên đã gây tràn, vỡ đê, làm ngập lụt, úng trên diện rộng ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Đê hệ thống sông Hồng và Thái Bình bị rò rỉ, sạt lở nhiều nơi. Đê bối bị vỡ và bị uy hiếp nghiêm trọng trên các tuyến thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hà Tây, Hưng Yên, Nam Định,..
10.Tháng 7/1986, lũ lớn đã gây sạt lở, tràn, vỡ nhiều đê bối, đê địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên …
11. Tháng 5/1994, mưa gây lũ tiểu mãn trong hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, gây ngập úng lụt nghiêm trọng ở nội thành Hà Nội, Nam Định, Hà Nam…
12. Tháng 8/1994, mưa lũ gây gây úng lụt nghiêm trọng ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên… Ngập úng lụt làm các đường liên xã, liên huyện, liên tỉnh bị hư hại nặng, nhiều đoạn đường quốc lộ số I cũng bị hư hại. Nhiều kênh mương, đê, kè, cống và các hồ chứa nhỏ, mương phai cũng bị hư hỏng nặng.
13. Năm 1996, lũ đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày trên mức Báo động 3 đã uy hiếp nghiêm trọng toàn bộ hệ thống đê đồng bằng Bắc Bộ. Hầu hết các đê bối, đê địa phương thuộc Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình đều bị tràn hoặc vỡ.
14. Năm 2002, năm 2003, lũ lụt trên các khu vực miền Trung và Bắc Bộ, đe dọa hệ thống đê điều.
15. Năm 2007, lũ lụt ở miền Bắc và miền Trung gây thâ rõ rĩ, thẩm lậu, sạt trượt mái đê ở các sông. Ngập cục bộ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Sơn La
16. Năm 2008, những trận mưa lớn trên các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ đã gây ra lũ lụt trên diện rộng, làm nhiều người chết, gây thiệt hại vật chất đáng kể. Hà Nội chìm trong biển nước.

Nguồn tra cứu: Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cường Phạm