Chắc đa số mọi người ở đây đều đã biết đến nhạc cổ điển (ở đây mình nói về nhạc cổ điển của văn hóa Châu Âu), có thể đã từng được tiếp xúc thông qua những chương trình truyền hình giải trí (ví dụ như American Got Talent,…), những clip quảng cáo và trên phim ảnh… Và đa phần đều khắc họa nên một thể loại nhạc có phần kén chọn, khó nghe và “buồn ngủ”.

Nhưng liệu nhạc cổ điển có đến mức khó thưởng thức, khó hiểu đến thế không? Nếu như vậy tại sao trải qua bao nhiêu năm lịch sử nhạc cổ điển vẫn được biểu diễn rộng rãi trên toàn thế giới và gần như luôn luôn cháy vé (vé để đi nghe London Symphony Orchestra ở Anh có giá trung bình khoảng 165-170 bảng/vé giá trung bình, và phải đặt trước khoảng trên dưới 6 tháng nếu chương trình có nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, đa số các buổi biểu diễn sẽ phải mua vé trước từ 2-3 tháng; tương tự với Berlin Phiharmonic ở Berlin và Vienna Philharmonic ở Viên).
Vậy, để trả lời câu hỏi này, mình sẽ bàn về 2 khía cạnh chính trong việc nghe nhạc cổ điển: những vấn đề trong văn hóa nghe nhạc và kiến thức về âm nhạc cổ điển.
Bài viết này hoàn toàn viết dựa trên quan điểm cá nhân, mình rất vui lòng nếu được nhận các góp ý đóng góp từ các bạn.
Văn hóa nghe nhạc
Thời gian dành cho nghe một bản nhạc cổ điển dài, cuộc sống mưu sinh vất vả hối hả không cho phép tôi có thời gian thưởng thức
Thường khi nhắc đến nhạc cổ điển, phần lớn mọi người chỉ biết đến các bản sonata, concerto, giao hưởng với đặc tính dài, kết cấu nhiều phần, phức tạp, và vì những lí do đó nhạc cổ điển đã bị cộp cho cái nhãn “khó nghe” ngay khi còn chưa được nghe thử.
Nhưng nhiều người lại không biết trong kho tàng âm nhạc cổ điển có một số lượng lớn các tác phẩm được viết theo dạng tiểu phẩm, với thời lượng ngắn (trung bình khoảng 8 đến 15 phút, điển hình như Valse, Nocturne,…)
Vậy nếu cuộc sống có bận rộn quá, thời gian dành cho bản thân ít quá thì hãy nghe 1 vài tiểu phẩm nhạc cổ điển, vừa giúp bản thân được thư giãn, đầu óc được nghỉ ngơi, vừa giúp tạo đà tập trung tiếp tục công việc.
Nghĩ rằng vé đi nghe hòa nhạc đắt
Thông thường khi nhắc đến đi nghe nhạc, đa số mọi người đều nghĩ ngay đến nghe ca hát, liveshow thần tượng, hoặc đi 1900,… và ít ai nghĩ đến đi nghe một buổi hòa nhạc cổ điển do nhiều người vẫn nghĩ vé đi nghe hòa nhạc sẽ đắt, do âm nhạc cổ điển là nhạc “bác học” , “quý tộc”,… Nhưng hầu hết mọi người lại chưa bao giờ thực sự hỏi thông tin mua vé 1 buổi hòa nhạc cổ điển thực sự (hoặc toàn nhìn thấy vé của các buổi Henessy Concert, Vietnam Airlines Concert và một số chương trình mời dàn nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài với toàn vé mời không bán

Buổi hòa nhạc quá nghiêm túc, không phù hợp
Với đa phần các bạn trẻ tràn đầy năng lượng thì sẽ thích được đi nghe nhạc quẩy, đi bar xập xình để giải phóng năng lượng tích trữ chứ không chọn đi nghe nhạc ngồi yên một chỗ. Một lí do khác là chúng ta quen nghe nhạc có lời, có thể sing along được, nên khi tham dự một buổi hòa nhạc cổ điển phải ngồi yên một chỗ và tập trung nghe sẽ có thể thấy không quen.
Với điều này các bạn có thể tìm hiểu thử những clip biểu diễn nhạc cổ điển hài trên youtube, buổi biểu diễn Giáng sinh dành cho gia đình của Berlin Philharmnic,… có thể thấy các nghệ sĩ trên khắp thế giới đang luôn cố gắng xóa bỏ khoảng cách với khán giả và đem lại những trải nghiệm âm nhạc thú vị nhất cho khán giả.
Kiến thức về nhạc cổ điển
Chúng ta thiếu điều kiện được tiếp xúc với các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển
Nếu như ở Châu Âu, cái nôi của nhạc cổ điển, ta có thể bắt gặp sự hiện diện của loại hình âm nhạc này ở mọi nơi, từ những nghệ sĩ solo, các nhóm nhạc nhỏ trên đường phố, đến các phòng trà, quán cafe, và cuối cùng cao nhất là trong các nhà hát, phòng hòa nhạc,… Thì Việt Nam lại có rất ít những buổi live show như thế, khiến cho chúng ta ít có cơ hội được tiếp xúc với thể loại nhạc này hơn. Ngay cả chương trình phát các buổi biểu diễn của dàn nhạc Quốc Gia Việt Nam trên VTV cũng toàn phát vào lúc 23h45, lúc mà chả còn mấy ai mở ti vi ra mà xem nữa.
Tuy nhiên từ khi phố đi bộ Hồ Gươm được mở, đã có nhiều chương trình của các dàn nhạc nhỏ, hoặc những dự án đem nhạc cổ điển đến với văn hóa đường phố, nhằm giúp mọi người được tiếp xúc dễ dàng hơn.
Trong số đó phải kể đến chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Concert Hanoi đã mời dàn nhạc London Symphony Orchestra sang biểu diễn ở bờ hồ và phát loa cho mọi người cùng thưởng thức.

Mình nghĩ mọi người nên tận dụng những cơ hội này để được trải nghiệm nhiều thể loại nhạc khác nhau. Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc nghe nhạc cổ điển ở thời điểm này đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, chỉ cần các bạn tìm thử trên youtube hoặc spotify là đã có rất nhiều gợi ý rồi.
Định kiến nhạc cổ điển khó nghe, kén người
Từ lâu đã có những định kiến in sâu trong suy nghĩ mọi người là nhạc cổ điển “bác học”, chỉ dành cho giới “quý tộc”, vì vậy cho nên sẽ kén người nghe, khó hiểu và mọi người sẽ từ chối hiểu luôn.
Đây không phải là một suy nghĩ sai do nó đã bắt nguồn từ rất rất lâu rồi, liên quan đến lịch sử khi ban đầu nhạc cổ điển được sử dụng để phục vụ cho 2 mục đích chính: tôn giáo và cung đình. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần và trí tuệ nhân loại theo đó cũng phát triển theo, chính vì vậy mà giờ đây âm nhạc cổ điển đã được phổ biến rộng rãi đến tất cả mọi người.
Vì vậy mình nghĩ là chúng ta ai cũng nên thử nghe và thử tìm hiểu về thế giới âm nhạc “hàn lâm” này đôi lần, để có thể cảm nhận được vẻ đẹp và thấy hóa ra cái thứ được gắn mác “quý tộc” này thực ra lại rất gần gũi với mình.
Để chống lưng cho phản biện này của mình, mình xin phép được giới thiệu một số bộ phim rất quen thuộc đã sử dụng nhạc cổ điển một cách rất hợp lý, giúp chúng ta cảm thấy gần gũi với thể loại âm nhạc này hơn:
Người đẹp ngủ trong rừng (1959) – Disney: Bộ phim sử dụng phần lớn nhạc từ vở Ballet “Sleeping Beauty” của nhà soạn nhạc Tchaikovsky, được soạn lại cho phù hợp với kịch bản và thời lượng của bộ phim.

Tom & Jerry The Cat Concerto (1947): Tập phim sử dụng bản Hungarian Rhapsody số 2 của nhà soạn nhạc người Hungary Franz Liszt làm bài biểu diễn của mèo Tom (nhưng lại được Jerry đưa về nhà)

Tom and Jerry in the Hollywood Bowl (1950): Lần này Tom là một nhạc trưởng cùng dàn nhạc toàn mèo của mình biểu diễn bản Overture (Khúc mở đầu) của vở opera The Bat được soạn bởi Johann Strauss II. Lại một lần nữa, Tom lên diễn và được Jerry dẫn về nhà

The Flying Cat (1952): Tập này cũng rất nổi tiếng rồi, sử dụng bản Valse của Chopin làm nhạc nền lúc con mèo bay

Johann Mouse (1953): Trong tập phim này, con chuột tên là Johann, cùng Tom sống ở nhà của nhạc sĩ người Áo Johann Strauss tại Viên. Gần như toàn bộ tác phẩm nổi tiếng nhất của Strauss đều được xuất hiện trong tập này

Mice Follies (1954): Tập phim mà Jerry và thằng em đóng băng phòng bếp và biểu diễn trượt băng nghệ thuật ở đó. Tập này dùng bài Valse trong Sleeping Beauty làm nhạc nền cho chúng nó trượt băng (bài mà công chúa và hoàng tử nhảy ở cuối phim Sleeping Beauty của Disney phía trên).

Một số lợi ích của việc nghe nhạc cổ điển
Thực ra nếu các bạn tìm hiểu trên google thì có rất rất nhiều kết quả trả về, nào thì giúp chúng ta thông minh hơn, tập trung hơn, hiệu quả cao hơn……
Nhưng mình sẽ không bàn đến những thứ quá vĩ mô như thế, mà mình sẽ nói về 2 khía cạnh mà bản thân mình trải nghệm được thôi, đó là :
Tăng sự tập trung
Cái này mình phải công nhận nhạc cổ điển giúp mình tập trung khá tốt. Ở đây không phải là vừa nghe nhạc vừa làm việc thì sẽ tập trung, mình khi nghe nhạc toàn bị tập trung theo ý nhạc mà quên đi công việc thôi, nhưng sau một thời gian dài nghe nhạc cổ điển, khả năng tập trung của mình đã tốt hơn dù xung quanh có bị ồn đi nữa. Mình có thể ngồi học, làm việc giữa 1 quán The Coffee House ồn ào với đám trẻ con chạy nhảy la hét tán loạn.
Giúp thư giãn đầu óc, thư giãn cơ thể
Không thể chối cãi một điều là nhạc cổ điển nghe rất dễ ngủ. Những lúc mệt mỏi mình thường hay nằm nghe một bản nhạc nào đó và ngủ thiếp đi, giúp nạp lại năng lượng cho ngày hôm sau. Và những lúc nghỉ ngơi sau khi làm việc mình cũng hay nhắm mắt lại và nghe một vài bản nhạc cổ điển nhẹ nhàng, tươi tắn giúp đầu óc quên đi mệt mỏi trước đó và tập trung tối đa vào công việc tiếp theo.
Cải thiện đời sống văn hóa nghệ thuật
Đây đúng là 1 tác dụng phụ của nhạc cổ điển khi giúp đời sống nghệ thuật mình được phong phú lên nhiều, vốn hiểu biết của mình được gia tăng và lại có nhiều chuyện để nói với mọi người hơn.
Bài viết này đến đây là quá dài rồi, mình xin phép được kết thúc tại đây, đây cũng là bài viết đầu tiên của mình trên group, rất mong được các bạn góp ý và ủng hộ.
Bài tiếp theo mình sẽ chia sẻ cách tiếp cận và nghe nhạc cổ điển, mong rằng qua đó sẽ có nhiều bạn cùng yêu thích và đam mê loại hình nghệ thuật này giống mình
Đặng Vũ Đức